Gần đây, The Coffee House đã “nối chân” những chuỗi hệ thống đồ uống đình đám như Highland Coffee, Phúc Long bắt đầu thử nghiệm và nhân rộng mô hình kiosk. Liệu đây chỉ là một giải pháp “cứu cánh” sau khi phải đóng cửa nhiều cửa hàng do dịch bệnh hay hướng đi mới của The Coffee House để tiếp cận khách hàng và gia tăng doanh thu? Mô hình kiosk có ưu điểm gì mà được các “ông lớn” ưa chuộng trong thời điểm này?
1. Mô hình kiosk – Xu hướng mạnh mẽ của ngành F&B hậu đại dịch
Không thể phủ nhận rằng sức tàn phá của làn sóng COVID-19 lần 4 đã khiến thị trường F&B kiệt quệ phần nào. Tuy nhiên, khi được phép mở cửa bán hàng, các nhà hàng, quán cafe bắt đầu thực hiện nhiều phương án thay đổi để bắt nhịp kinh doanh nhanh chóng và gượng dậy phục hồi trở lại. Trong đó, The Coffee House là một câu chuyện điển hình cho quyết định tái cấu trúc và hướng đến mô hình mới để thích ứng với những thay đổi của thị trường sau đại dịch. Việc The Coffee House phải đóng cửa hàng Signature tại một vị trí vô cùng đắc địa đã đặt ra một “dấu chấm hỏi” hoang mang cho dân tình. Tuy nhiên, đây thực ra là quyết định cắt giảm mô hình kém hiệu quả, chưa phù hợp để thương hiệu dồn nguồn lực cho những tăng trưởng mới.
Không để mọi người chờ đợi lâu, The Coffee House vừa có một tuần khai trương ồ ạt với 8 kiosk đều là cửa hàng mini với diện tích nhỏ với các hình thức: xe đẩy, kiosk độc lập ở ngoài đường lớn, kiosk tích hợp với 1 siêu thị Co.op Food, kiosk tích hợp với KingfoodMart,… Hệ thống này phục vụ cho nhu cầu mua mang đi và giao hàng online với menu tối giản hơn so với cửa hàng truyền thống. Kiosk chủ yếu phục vụ những món đồ uống được ưa chuộng nhất như cafe truyền thống, trà đào, sinh tố đá xay,…
Trước The Coffee House, nhiều thương hiệu F&B lớn đã thử nghiệm mô hình kiosk tương đối thành công. Chẳng hạn như Highlands Coffee từng đặt các xe đẩy bán cafe đặt trước các quán của chính hệ thống này, trên vỉa hè một số con đường đông đúc, chuyên bán nhanh cho khách mang đi với menu đơn giản và được đông đảo người tiêu dùng ủng hộ. Phúc Long cũng nhanh nhẹn phát triển mô hình kiosk sau khi “về chung nhà” với ông lớn Masan. Sau khi thí điểm 4 kiosk đặt tại Vinmart khá thành công, Masan đặt mục tiêu mở mới gần 1000 kiosk Phúc Long trong một năm tới.
Các chuỗi cafe nhượng quyền cũng không bỏ qua “sân chơi” kiosk vô cùng tiềm năng. Milano Coffee cũng mức phí nhượng quyền với mô hình kiosk có giá khoảng 95 – 100 triệu đồng – một mức giá khá cạnh tranh và hợp lý để nhiều người muốn kinh doanh cafe có thể tiếp cận được. Hay chuỗi cafe Ông Bầu còn sử dụng mô hình kiosk nhỏ và xe đẩy làm chủ đạo và công bố sẽ mở tới 10000 điểm bán vào năm 2022.
2. Những ưu điểm vượt trội của mô hình kiosk trong ngành F&B
Kiosk không phải là mô hình mới, thậm chí cũng đã từng phát triển do sự thúc đẩy của nhịp sống hiện đại vội vã. Nhưng nhờ đại dịch và quãng thời gian chỉ được phép bán mang đi, mô hình kiosk ngày càng nhanh chóng trở nên đặc biệt phù hợp và hấp dẫn với các chủ kinh doanh F&B.
2.1. Chi phí đầu tư thấp
Kinh doanh mô hình kiosk bán cafe không yêu cầu thuê mặt bằng, không cần mua sắm bàn ghế hay trang trí nội thất,… nên chi phí đầu tư chỉ dao động trong khoảng 30 – 50 triệu đồng. Nếu có một khoản vốn lớn hơn từ 90 – 100 triệu đồng, chủ kinh doanh hoàn toàn có thể sở hữu một kiosk bán cafe bằng hình thức mua nhượng quyền từ các thương hiệu tên tuổi như Milano Coffee, Viva Star Coffee,…
Còn đối với các thương hiệu lớn như The Coffee House hay Highlands Coffee, khoản chi phí đầu tư cho một kiosk càng đơn giản hơn khi họ đã có lợi thế sẵn có như menu, công thức pha chế, quy trình vận hành,… Trước đây, các chuỗi đồ uống lớn liên tục mở địa điểm mới ở các vị trí đẹp nhằm mở rộng và phát triển với số vốn “khổng lồ”. Tuy nhiên, trong thời kỳ “sống chung với dịch” như hiện nay, sử dụng mô hình kiosk với chi phí đầu tư thấp ban đầu là chiến lược vô cùng đúng đắn, an toàn và thức thời.
2.2. Mô hình tinh gọn và tiết kiệm chi phí vận hành
Hiện nay có hai xu hướng nổi bật trong ngành F&B: Một là không gian “siêu to” để tối đa hóa trải nghiệm khách hàng, hai là không gian “siêu nhỏ” để tối đa hóa sự tiện lợi. Kiosk thuộc hướng đi thứ hai, vừa giúp chủ kinh doanh tối ưu mô hình kinh doanh, vừa đem lại sự thuận tiện cho người tiêu dùng khi mua hàng.
Với đặc tính nhỏ gọn, kiosk là mô hình tối ưu hóa giúp tiết kiệm chi phí mặt bằng. Theo xu hướng hiện nay, các cửa hàng đều cố gắng giảm diện tích mặt bằng kinh doanh xuống – ví dụ như cắt những diện tích không sử dụng hay không tạo ra tiền. Một lựa chọn khác là tối ưu hóa hiệu năng của diện tích hay diện tích ấy giúp cửa hàng thu về bao nhiêu tiền. Chẳng hạn như 1m2 của một quán cafe rộng lớn tạo ra doanh thu 4 triệu đồng, 1m2 của một kiosk lại tạo ra doanh thu 4,2 triệu đồng thì rõ ràng mô hình kiosk tối ưu hơn rất nhiều. Tư duy kinh doanh đúng là phải càng ngày càng tối ưu hóa hiệu quả diện tích trong một cửa hàng.
Mô hình kiosk cũng giúp cắt giảm đội ngũ nhân viên, thông thường chỉ cần 2 đến 3 người cũng có thể đáp ứng được công việc. Chỉ cần một xe đẩy nhỏ gọn, các thương hiệu lớn đã có tiềm năng phủ sóng đến từng ngõ ngách dân cư. Hơn nữa, kiosk cũng dễ mở – dễ đóng – dễ nhân rộng, phù hợp tuyệt vời với sự linh hoạt trong bối cảnh kinh doanh nhiều biến động do COVID-19 như hiện nay.
2.3. Đa dạng hóa nguồn doanh thu
Điểm cộng dễ nhận thấy đầu tiên ở mô hình kiosk khiến các chuỗi đồ uống lớn ưa chuộng là giúp đa dạng hóa nguồn thu. Mô hình kiosk phục vụ bán mang đi có thể duy trình doanh thu cho hệ thống trong bối cảnh dịch COVID diễn biến phúc tạp và lâu dài, hàng quán chưa được mở tại chỗ hoặc đã cho mở lại nhưng không được phục vụ tối đa công suất. Nếu không may dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến hàng quán không được mở tại chỗ hoặc đã cho mở nhưng không được phục vụ quá 50% công suất, kiosk bán mang đi sẽ trở thành “bình oxy trợ thở” duy trì doanh thu cứu cánh cho các chuỗi F&B.
Ngay cả trong khoảng thời gian tạm thời “không có dịch”, mô hình kiosk sẽ giúp chủ chuỗi đa dạng hóa doanh thu “năng nhặt chặt bị”. Luôn có một nhu cầu nhất định đối với nhóm khách hàng mua mang đi hoặc mua online, các kiosk nhỏ len lỏi các con phố có thể đáp ứng nhu cầu này nhanh chóng và thuận tiện nhất. Các thương hiệu đều ý thức được rằng nếu không đa dạng thêm kênh doanh thu sẽ khiến công việc kinh doanh rất lỏng lẻo và bị phụ thuộc. Để phát triển bền vững theo thời gian, đa dạng kênh doanh thu là việc làm hết sức cấp bách.
Việc các chuỗi thương hiệu đình đám trong ngành F&B ồ ạt mở kiosk là minh chứng cho thấy mô hình này không chỉ còn là giải pháp nhất thời mà đã trở thành xu hướng thiết yếu trong và sau đại dịch. Không chỉ các “ông lớn”, các quán cafe vừa và nhỏ hiện nay cũng hoàn toàn có thể thử nghiệm mô hình kiosk để đa dạng hóa nguồn doanh thu cho thương hiệu của mình.