Hãng lắp ráp iPhone hàng đầu thế giới đã ký thỏa thuận vào tháng 9/2022 với Vedanta để xây dựng một nhà máy sản xuất chip cũng như màn hình hiển thị của điện thoại và máy tính bảng tại bang Gujarat.
Tập đoàn Điện tử Foxconn của Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã rút khỏi thỏa thuận trị giá 19,4 tỷ USD với Tập đoàn Vedanta của Ấn Độ để sản xuất chip tại quốc gia Nam Á này.
Hãng lắp ráp iPhone hàng đầu thế giới đã ký thỏa thuận vào tháng 9/2022 với Vedanta để xây dựng một nhà máy sản xuất chip cũng như màn hình hiển thị của điện thoại và máy tính bảng, tại bang Gujarat, Ấn Độ.
Kế hoạch trên sẽ tăng cường sự tự chủ của Ấn Độ trong chuỗi cung ứng công nghệ, bởi chip là bộ phận thiết yếu của gần như tất cả các thiết bị điện tử hiện đại, cần cho việc vận hành tất cả các sản phẩm, từ máy pha càphê đến ôtô điện.
Tuy nhiên, Foxconn cho biết hai bên đã nhất trí dừng hợp tác. Hai bên cùng thừa nhận dự án tiến triển chậm, có những khoảng cách lớn mà hai bên không thể vượt qua, cũng như các vấn đề bên ngoài không liên quan đến dự án.
Theo thỏa thuận, Vedanta, một trong những tập đoàn khai khoáng lớn nhất của Ấn Độ, sẽ nắm 60% cổ phần của dự án, trong khi Foxconn nắm cổ phần thiểu số. Hai bên cũng từng dự kiến đưa các cơ sở đi vào hoạt động vào năm 2024.
Foxconn sẽ không chịu thiệt hại do việc rút khỏi thỏa thuận, khi không rót vốn hay đầu tư tài sản cố định.
Vedanta cho biết có những đối tác khác mong muốn xây dựng xưởng đúc chip đầu tiên của Ấn Độ.
Người phát ngôn của Vedanta cho biết tập đoàn đã tăng cường nỗ lực để triển khai tầm nhìn về lĩnh vực bán dẫn của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và nước này vẫn đóng vai trò trụ cột trong việc tái định vị chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Vedanta hiện đã có giấy phép áp dụng công nghệ sản xuất chip 40nm.
Đa phần các chip hàng đầu của thế giới được sản xuất tại Đài Loan, chủ yếu là của Taiwan Semiconductor Manufacturing Company và tại Hàn Quốc, với Tập đoàn Samsung.
Gia nhập cuộc đua trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Ấn Độ vào cuối năm 2021 đã thông qua chương trình 10 tỷ USD để khởi động sản xuất trong nước, với việc nhất trí chi một nửa chi phí của tất cả các dự án.
Theo VietnamPlus