Căn cước công dân và chức năng của thẻ căn cước công dân? Hướng dẫn cách quét mã QR trên thẻ căn cước công dân? Một số lưu ý?
Theo đề án Chính phủ từ năm 2020, Việt Nam bắt đầu chuyển đổi từ căn cước công dân, chứng minh thư cũ sang thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử. Thẻ công dân gắn chip là một bước tiến mới trong công tác quản lý của nhà nước, góp phần dần chuyển đổi sang một đất nước số hóa. Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử như : Bồ Đào Nha, Malaysia, Thái Lan… Việc sử dụng căn cước gắn chíp giúp việc tra cứu và xử lý thông tin nhanh chóng và thuận tiện hơn, người dân giảm thiểu được rất nhiều giấy tờ phải mang theo khi thực hiện các thủ tục hành chính. Trên thẻ căn cước công dân có mã QR để có thể quét mã và hiển thị các công tin cần thiết của chủ nhân căn cước đó. Vậy làm thế nào để quét mã QR trên thẻ căn cước công dân? Dưới đây sẽ là một số hướng dẫn chi tiết.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Căn cước công dân năm 2014 sửa đổi bổ sung năm 2020;
– Thông tư số 59/2021/TT-BCA
1. Căn cước công dân và chức năng của thẻ căn cước công dân:
Theo định nghĩa tại khoản 1 điều 20 Luật căn cước công dân đã nêu định nghĩa và chức năng của căn cước công dân như sau:
“Điều 20. Giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân
1. Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 của Luật này; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.
4.Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.”
Vai trò lớn nhất của thẻ căn cước công dân gắn chíp đó là khi công dân và cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính sẽ giảm thiểu được nhiều giấy tờ liên quan, nếu như một số thủ tục hành chính trước kia yêu cầu người dân phải mang theo ngoài chứng minh thư thì còn nhiều giấy tờ khác như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh… thì giờ đây, các thủ tục đó có thể rút gọn bằng cách xuất trình thẻ CCCD bởi chỉ cần căn cước công dân, cơ quan nhà nước có thể quét mã QR, từ đó tra cứu mọi thông tin trên trang điện tử của dữ liệu quốc gia, điều này giúp các bước tiến hành xác minh thông tin được diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân gồm thông tin sau đây:
– Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;
– Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin đã được mã hóa như vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.
Theo thông tư số 59/2021/TT-BCA và Thông tư số 60/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân. Theo đó quy định, mã QR trên thẻ căn cước công dân chứa thông tin về số chứng minh nhân dân cũ của người dân. Do đó, người dân không cần phải xin Giấy xác nhận số chứng minh nhân dân và cung cấp khi làm các thủ tục, giao dịch sử dụng số chứng minh nhân dân cũ như trước đây, trừ những trường hợp mã QR không có thông tin về số chứng minh nhân dân.
2. Hướng dẫn cách quét mã QR trên thẻ căn cước công dân:
Hiện nay, thông thường mỗi người dân Việt Nam đều sở hữu cho mình một chiếc điện thoại thông minh. Việc quét mã QR trên điện thoại thông minh là một việc làm dễ dàng và nhanh chóng. Nếu trên ứng dụng điện thoại bạn đã có ứng dụng Zalo thì các bạn có thể thực hiện các thao tác dưới đây để quét mã căn cước:
– Bước 1: Trên điện thoại thông minh , tải phần mềm Zalo cho điện thoại/ Cập nhật phiên bản Zalo mới nhất. Nếu bạn dùng điện thoại iPhone bạn có vào App Store, đối với Android các bạn vào CH Play để tải ứng dụng Zalo về máy, tiến hành cài đặt ứng dụng này và cài đặt tài khoản. Nếu bạn đã có tài khoản Zalo rồi thì các bạn cập nhật lên phiên bản mới nhất để rồi tiến hành quét mã QR trên căn cước công dân gắn chip.
– Bước 2: Chọn quét mã vạch QR trên Zalo
Sau khi tải xuống và tạo tài khoản, các bạn đăng nhập vào Zalo -> trên công cụ thanh tìm kiếm có hình kính lúp , bạn nhìn theo góc phải của màn hình sẽ thấy biểu tượng hình mã QR hình ô vuông.
-Bước 3: Hướng camera đến mã QR trên căn cước công dân. Sau đó bạn ấn vào biểu tượng đó.
Sau khi chọn quét mã QR trên Zalo , trên màn hình sẽ hiện lên dòng chữ “Di chuyển camera đến mã QR để quét” hãy hướng camera trên điện thoại vào mã vạch (mã QR) trên căn cước công dân có gắn chip (mặt trước của thẻ) để nhận diện và bắt đầu quét thông tin.
Bước 4: Xem thông tin trên căn cước công dân gắn chip
Sau đó, trên màn hình của bạn sẽ hiện ra các thông tin cơ bản bao gồm: số căn cước công dân 12 số (hoặc số căn cước công dân 12 số cũ chưa gắn chip, chứng minh dân dân 9 số cũ ), ngày cấp số CMND / CCCD, họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú.
Vậy là chỉ với một vài thao tác cơ bản, người dùng có thể dễ dàng thực hiện và tra cứu thông tin trên thẻ căn cước của mình.
Ngoài cách quét bằng Zalo, hiện nay cũng có rất nhiều các phần mềm quét mã. Trình tự quét mã QR trên các phần mềm này cũng tương tự các bước như trong ứng dụng Zalo. Đầu tiên, bạn vào cửa hàng ứng dụng và tải một số phần mềm có thể quét mã QR như: ứng dụng Google Lens hoặc máy ảnh trên điện thoại Iphone. Tuy nhiên hiện nay trên thị trường rất nhiều ứng dụng quét mã QR, người dùng cần lưu ý chỉ tra cứu mã QR từ những ứng dụng uy tín nêu trên.
3. Một số lưu ý:
Với những thông tin trên có thể thấy quét mã căn cước công dân bằng phần mềm, ứng dụng cực kỳ tiện lợi. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng ứng dụng quét mã CCCD mọi người cần phải lưu ý những vấn đề sau:
Thông thường các ứng dụng chỉ cần cho phép truy cập camera để quét thông tin. Nhưng trong một số trường hợp có những ứng dụng bắt bật cho phép truy cập vào các hạng mục khác như danh bạ, mạng xã hội,… thì người dùng không được cho phép và nhanh chóng xóa ứng dụng để tránh lộ thông tin. Hiện nay tội phạm công nghệ cao rất tinh vi, người dân nên cảnh giác những ứng dụng bắt cấp quyền để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt thông tin, từ đó gây ra những hậu quả và thiệt hại về tài sản của mình
Những thông tin trên căn cước công dân gắn chip đều là những thông tin cá nhân, nên tránh trường hợp bị lợi dụng đánh cắp thông tin trên CCCD của bạn thông qua trình quét mã vạch. Nếu bị người khác quét mã QR của mình thì bạn cũng không nên lo lắng bởi những thông tin hiện lên sau khi quét mã không mang tính bảo mật cao, và trên thẻ CCCD gắn chip cũng đã thể hiện hầu hết các thông tin này. Mã QR code chỉ cung cấp thêm số CMND cũ của người được cấp thẻ.
Ngoài ra, những thông tin được quét từ mã QR code chỉ được dùng để đối chiếu thông tin, xác nhận số CMND cũ của của công dân trong khi thực hiện các thủ tục hay giao dịch hành chính, dân sự chứ không có tác dụng đại diện hay thay thế người dân khi thực hiện giao dịch này, việc quét mã QR chỉ là một hình thức kiểm tra thông tin khi thực hiện các giao dịch đó.
Trên đây là hướng dẫn quét mã QR của căn cước công dân gắn chíp. Đây là một lưu ý quan trọng mà người dân cần nắm bắt để việc quét mã QR trở lên phổ biến và công dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính hay tra cứu thông tin một cách thuận tiện.